
Hà NộiKhán giả xúc động trước các hoạt cảnh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện trong đêm nghệ thuật trên quảng trường Ba Đình.
Chương trình bắt đầu lúc 20h ngày 18/5, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cơn mưa lất phất, khoảng hơn 2.000 khán giả nhiều lứa tuổi cùng ôn ký ức về lãnh tụ. Qua âm nhạc, thi ca, hoạt cảnh kịch nói và múa đương đại, các nghệ sĩ dựng lại những dấu mốc tiêu biểu trong cuộc đời Hồ Chủ tịch, gắn liền vận mệnh dân tộc.
Khán giả xem chương trình "Người là Hồ Chí Minh". Ảnh: Thanh Tùng
Trong phần mở đầu mang tên Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành, nghệ sĩ Lê Chức đọc lời bình về những năm tháng tuổi thơ của lãnh tụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại Nghệ An với tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Ở thời điểm nhiều phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp, Người lớn lên với khúc ru của mẹ: "À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền".
Trích đoạn hoạt cảnh ‘Cha con vì non nước’
Trích đoạn hoạt cảnh "Cha con vì non nước", phỏng theo tác phẩm "Nợ nước non" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Video: VTV
5 tuổi, Người theo cha mẹ ra Huế để cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc dùi mài kinh sử. Năm 1900, khi cha và anh vắng nhà vì công chuyện, mẹ qua đời, một mình Nguyễn Sinh Cung (lúc này đã đổi tên là Nguyễn Tất Thành) lo hậu sự cho mẹ, chăm sóc em. Sau này, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc làm quan huyện ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành được gửi vào Quy Nhơn học. Một lần, cậu đến tìm cha, được ông truyền cảm hứng về tình yêu nước. Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình "tìm hình của nước".
Hoạt cảnh Nguyễn Tất Thành trò chuyện cùng cha về lòng yêu nước. Ảnh: Thanh Tùng
Trường đoạn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói về những năm tháng hoạt động cách mạng. Tiết mục Hình đất nước phôi thai vẽ lên nỗi nhớ quê hương của Người khi đi qua ba đại dương, bốn châu lục, gần 30 nước. Khi là thợ làm bánh ở Boston, Mỹ, Người vẫn nghiên cứu lịch sử, tìm hiểu về phong trào đấu tranh của nhân dân các nước.
Nghệ sĩ Lê Chức đọc lại câu thơ của Chế Lan Viên: "Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?".
Ở Pháp, lãnh tụ tìm thấy con đường cách mạng vô sản, gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đó là hành trình từng được người cộng sản Nguyễn Ái Quốc gói gọn trong câu nói: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".
Hòa Minzy hát ‘Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ’
Hòa Minzy hát liên khúc "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" (nhạc sĩ Xuân Giao), "Chong chóng xanh" (nhạc sĩ Lê Thủy), "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" (nhạc sĩ Phong Nhã). Video: VTV
Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng một năm sau, Người phải chịu cảnh tù đày do bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam ở Quảng Tây, Trung Quốc. Hóa thân vào hình tượng Bác Hồ, nghệ sĩ Minh Hải khắc họa tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ qua các câu thơ ở Nhật ký trong tù: "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao".
Sau khi thoát cảnh ngục tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng và nhân dân qua các cao trào cách mạng, đỉnh cao là tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và nhiều trận chiến tiền đề của đại thắng mùa xuân năm 1975.
Để khẳng định tình yêu, niềm tin với lý tưởng của Người, các nghệ sĩ đọc câu thơ nhà thơ Tố Hữu: "Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/ Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!".
Hòa Minzy hát cùng các em thiếu nhi trong chương trình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoạt cảnh ngày 2/9/1969 nói về nỗi đau của triệu người Việt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Những khoảnh khắc cuối của lãnh tụ được nhạc sĩ Trần Hoàn đưa vào ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa: "Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế/ Bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền".
Trường đoạn cuối Việt Nam! Kỷ nguyên vươn mình truyền tải thông điệp về di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại mới, qua ca khúc của các nhạc sĩ trẻ: Người là Hồ Chí Minh (Anh Tú), Hồ Chí Minh – Mặt trời chân lý (Hoàng Hồng Ngọc). Các tiết mục truyền tải tinh thần như nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài Sáng tháng năm: "Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút".
Phần âm nhạc giới thiệu nhiều nét đặc trưng của các miền, từ hát then của vùng núi phía Bắc đến những câu ca, điệu hò Trung bộ. Nhiều tư liệu lịch sử quý được phát trên màn hình LED, minh họa cho phần lời bình, các phân đoạn kịch nói. Dàn nghệ sĩ gồm nhiều gương mặt trẻ như NSƯT Hoàng Tùng, Hòa Minzy, "Sao Mai" Huyền Trang, Mai Chi, An Thu An, Hoàng Hồng Ngọc, nhóm diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Người là Hồ Chí Minh nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 135 năm ngày sinh của lãnh tụ (19/5/1890-19/5/2025). Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, Đài truyền hình Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Khách mời tham dự gồm Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban bí thư Trần Cẩm Tú.
Hà Thu