20 Tháng 5, 2025
AP25138522691936-1747626650-5821-1747626808.jpg
Tàu buồm Cuauhtemoc của hải quân Mexico đâm vào Cầu Brooklyn có thể do không có tàu lai dắt hộ tống hoặc gặp phải vùng nước hỗn loạn tại cảng New York.

Tàu buồm Cuauhtemoc của hải quân Mexico đâm vào Cầu Brooklyn có thể do không có tàu lai dắt hộ tống hoặc gặp phải vùng nước hỗn loạn tại cảng New York.

Giới chức Mỹ đã mở cuộc điều tra về lý do tàu buồm ARM Cuauhtemoc của hải quân Mexico đâm vào Cầu Brooklyn ở New York hôm 17/5, khiến ba cột buồm bị gãy, hai thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và 22 người bị thương.

Sự cố xảy ra khi tàu Cuauhtemoc đang thực hiện hành trình 254 ngày ghé thăm loạt cảng trên thế giới, với mục tiêu "nâng cao tinh thần đi biển, tăng cường giáo dục hải quân và truyền tải thông điệp hòa bình cũng như thiện chí của người dân Mexico", hải quân Mexico cho biết trong một tuyên bố.

Tối 17/5, con tàu rời Cầu tàu 17 ở cảng New York tại khu Manhattan, ngay bên dưới Cầu Brooklyn. Con tàu được cho là sẽ đi về phía nam, dừng lại ở bờ sông Brooklyn để tiếp nhiên liệu trước khi thực hiện hải trình đến Iceland.

Nhưng đến khoảng 20h30, tàu đã di chuyển sai hướng, đi qua bên dưới Cầu Brooklyn, nơi không có trong hải trình, theo phát ngôn viên Văn phòng Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp New York.

Video được đăng trên mạng xã hội cho thấy con tàu dài hơn 90 m được gắn dàn đèn trang trí rực rỡ di chuyển trên sông, trước khi các cột buồm đâm vào mặt dưới cầu Brooklyn và gãy đổ. Trên tàu Cuauhtemoc khi đó có khoảng 277 người.

Tàu buồm Cuauhtemoc của hải quân Mexico neo tại Cầu tàu 35 ở New York, ngày 18/5. Ảnh: AP

Tàu buồm Cuauhtemoc của hải quân Mexico neo tại Cầu tàu 35 ở New York, ngày 18/5. Ảnh: AP

Theo Wilson Aramboles, quan chức Sở Cảnh sát New York, con tàu đáng nhẽ phải hướng ra khơi chứ không phải di chuyển về phía cây cầu. Ông cho hay theo báo cáo ban đầu, con tàu đã bị mất điện do sự cố kỹ thuật, song giới chức lưu ý đây chỉ là thông tin sơ bộ.

Một quan chức cấp cao thuộc chính quyền thành phố cũng tiết lộ thuyền trưởng tàu Cuauhtemoc đã khai với các nhà điều tra rằng ông bị mất lái do bánh lái ngừng hoạt động.

"Họ gặp phải một số vấn đề về kỹ thuật. Họ bị mất điện nên không thể sử dụng bánh lái, dẫn tới việc không thể điều khiển được tàu", quan chức này nói.

Một quan chức hải quân Mexico cho hay tàu Cuauhtemoc sẽ phải trải qua quá trình đánh giá lại toàn bộ và số phận của nó sẽ được định đoạt khi có báo cáo kỹ thuật đầy đủ.

Dữ liệu theo dõi từ Marine Traffic và các video của nhân chứng cho thấy tàu lai dắt Charles D. McAllister có công suất 1.800 mã lực đã đẩy Cuauhtemoc lùi vào kênh, nhưng rời đi trước khi tàu rẽ. Vài giây sau, khi con tàu tiếp tục trôi theo hướng Cầu Brooklyn, chiếc tàu lai dắt đã cố gắng đuổi theo nhưng đến quá muộn.

Hướng di chuyển của tàu Cuauhtemoc trước khi xảy ra va chạm. Đồ họa: CNN

Hướng di chuyển của tàu Cuauhtemoc trước khi xảy ra va chạm. Đồ họa: CNN

McAllister Towing, công ty cung cấp dịch vụ lai dắt, cập cảng và vận chuyển hàng hải có trụ sở tại New York, hôm 18/5 cho biết một tàu của họ đã hỗ trợ tàu Cuauhtemoc khi nó rời Cầu tàu 17.

Sau khi con tàu va chạm với cây cầu, "thủy thủ đoàn của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ thêm và nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng", McAllister Towing cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, vai trò của tàu lai dắt không giống như những gì công ty mô tả.

"Con tàu không nhờ tới hỗ trợ của tàu lai dắt. Tàu lai dắt được nhìn thấy trong các video đang thực hiện nhiệm vụ ứng phó sau tai nạn, chứ không phải hỗ trợ trước đó. Thông thường, sẽ có một tàu lai dắt ở phía trước để giúp chúng rời cảng, đặc biệt là đối với tàu buồm", ông nói.

Thời điểm tàu Cuauhtemoc đâm vào Cầu Brooklyn, nó đang di chuyển trong một vùng nước hỗn loạn. Thủy triều vừa đổi hướng và một dòng hải lưu chảy nhanh đang hướng về phía Sông Đông khi gió thổi ở vận tốc hơn 16 km/h.

Tàu hải quân Mexico đâm vào cầu ở Mỹ

Tàu hải quân Mexico đâm vào cầu ở Mỹ

Khoảnh khắc tàu hải quân Mexico đâm vào cầu Brooklyn ở New York, Mỹ ngày, 17/5. Video: X/JeremyH

Dù những điều kiện phức tạp như vậy có thể dễ dàng được xử lý bởi một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, thách thức đặc biệt lớn ở bến cảng New York, nơi có lưu lượng giao thông đông đúc với các kênh hẹp, quanh co cùng những xoáy nước mạnh.

Sal Mercogliano, cựu thuyền trưởng từng lái nhiều tàu qua cảng New York, cho rằng tất cả các yếu tố, gồm độ cao của tàu, dòng chảy mạnh, gió lớn và việc Cuauhtemoc có thể không được tàu lai dắt hộ tống đều góp phần vào "kịch bản xấu nhất" gây ra thảm họa.

"Đáng lẽ họ nên khởi hành sớm trước hai tiếng, khi thủy triều đang rút. Đó là thời điểm lý tưởng nhất", ông nói.

Mercogliano cho biết các nhà điều tra sẽ đánh giá xem liệu thủy thủ đoàn trên tàu Mexico có thực hiện các kiểm tra an toàn được khuyến nghị trước khi khởi hành hay không. Những khuyến nghị này bao gồm kiểm tra chân vịt, bánh lái và hệ thống đẩy của động cơ trước từ 6 đến 12 tiếng nhằm đảm bảo mọi thứ hoạt động bình thường.

"Nó không giống như xe hơi, nơi bạn chỉ cần gạt cần số", ông nói.

Thượng nghị sĩ Schumer hôm 18/5 cũng kêu gọi các nhà điều tra xác định liệu nỗ lực cắt giảm ngân sách của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) có góp phần gây ra sự việc hay không.

"Tôi có cảm giác rằng DOGE đã gây ra bất ổn ở một số bộ phận của lực lượng Tuần duyên", ông phát biểu tại một cuộc họp báo về ngân sách liên bang. "Chúng ta biết DOGE đã can thiệp vào biên chế của Tuần duyên và bây giờ chúng ta cần biết việc can thiệp này có thể tác động như thế nào đến các sự kiện đêm qua".

Tuần duyên là lực lượng đảm bảo an ninh trên các vùng biển của Mỹ. Ban quản lý giao thông tàu thuyền thuộc lực lượng Tuần duyên là đơn vị giám sát việc di chuyển của tàu bè ra vào cảng, tương tự tháp kiểm soát không lưu của Cục Hàng không Liên bang.

Tàu Cuauhtemoc của hải quân Mexico sau khi va chạm với cầu Brooklyn hôm 17/5. Ảnh: AP

Tàu Cuauhtemoc của hải quân Mexico sau khi va chạm với cầu Brooklyn hôm 17/5. Ảnh: AP

Tuần duyên Mỹ hồi tháng 4 thông báo hủy bỏ Hệ thống Quản lý Thông tin Hậu cần (CG-LIMS) và tuyên bố tiết kiệm được 32,7 triệu USD, theo khuyến cáo của DOGE. Đây là hệ thống nhằm tích hợp các năng lực hiện có và tương lai của Tuần duyên Mỹ, nhằm hiện đại hóa toàn bộ hệ thống nói chung.

CG-LIMS được tiến hành nhằm "hợp nhất các chức năng hỗ trợ, cho phép Tuần duyên quản lý tốt hơn nhu cầu hậu cần, giảm bớt gánh nặng quản lý với các đội bảo trì và cung cấp các hệ thống an ninh mạng tốt hơn", theo website của chương trình.

Ông Schumer cho rằng nếu Tuần duyên Mỹ rơi vào tình trạng thiếu nhân sự, đây có thể là một phần nguyên nhân khiến cơ quan chức năng Mỹ không thể ngăn tai nạn xảy ra.

"Sau khi được thông báo đầy đủ về vụ tai nạn Cầu Brooklyn đêm qua, một điều đã trở nên rất rõ ràng. Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về cách vụ tai nạn xảy ra và liệu nó có thể được ngăn chặn hay không", ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo AFP, CNN, AP)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *