
"Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi giúp độc giả hiểu về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường thiên nhiên.
Nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 – 2/4/1989), tên khai sinh là Đoàn Văn Hòa, sinh tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tuổi trẻ của ông gắn bó với vùng đồng bằng sông nước Nam bộ, là nơi vun đắp tình yêu thiên nhiên và ý thức văn hóa.
Khởi nghiệp văn chương từ năm 1945, Đoàn Giỏi trở thành cây bút quan trọng trong văn học Nam bộ và sau đó là một trong những nhà văn lớp đầu góp phần tạo dựng dòng văn học cách mạng Việt Nam. Trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, nếu Tô Hoài là "nhà kể chuyện" của núi rừng Tây Bắc, Đoàn Giỏi là "người mở cõi" của miền đất phương Nam trong tâm hồn độc giả nhỏ tuổi.
Các nhân vật chính trong phim "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, chuyển thể từ truyện của nhà văn Đoàn Giỏi, ra mắt năm 2023. Ảnh: Galaxy Studio
Tác phẩm tiêu biểu nhất của Đoàn Giỏi là Đất rừng phương Nam xuất bản lần đầu vào năm 1957. Tác phẩm vừa là tiểu thuyết phiêu lưu dành cho thiếu nhi, vừa mang hơi hướng sử thi miêu tả đất nước trong chiến tranh. Không gian nghệ thuật trong truyện được kiến tạo bằng chuỗi hình ảnh thiên nhiên hoang dã, nghĩa khí của cộng đồng và khát vọng công lý, gợi nhớ đến những anh hùng ca trong dân gian. Ở đó, chất thiếu nhi mà tác giả truyền tải không nằm ở sự ngây thơ mà là ở tinh thần phiêu lưu, khám phá.
Trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam, Đoàn Giỏi có sự giao thoa từ văn học mang tính giáo dục sang văn học khám phá, từ mô hình anh hùng mẫu mực sang mô hình đứa trẻ phiêu lưu, học hỏi và trưởng thành. So với các tác giả cùng thời như Tô Hoài (với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký) hay Nguyễn Huy Tưởng (Một ngày hè, Chiến sĩ ca nô), ông khác biệt nhờ lấy không gian lịch sử, thiên nhiên làm bệ đỡ cho tâm lý trẻ thơ. Ông còn là nhà văn của giấc mơ trưởng thành, nơi nhân vật thiếu nhi được rèn luyện qua gian khổ, học cách yêu quê hương và nhận ra vai trò của công dân trong chiến tranh. Truyện có đoạn: "An nghĩ, nếu mai này có lớn lên, nó cũng sẽ là người như chú Võ Tòng, người không sợ bất cứ kẻ thù nào của đất nước".
Ca khúc ‘Bài ca đất phương Nam’
Ca khúc "Bài ca đất phương Nam" (nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang), do Tô Thanh Phương trình bày. Video: TFS
Đoàn Giỏi không viết văn bằng giọng vỗ về con trẻ mà để trẻ em đồng hành cùng thế giới người lớn, cảm nhận lịch sử và thiên nhiên. Ông mang thi pháp tiểu thuyết sử thi hiện đại vào văn học thiếu nhi, nhưng vẫn giữ được giọng điệu lôi cuốn. Đất rừng phương Nam không chỉ là tác phẩm nổi bật nhất của Đoàn Giỏi mà còn là một trong những tiểu thuyết thiếu nhi xuất sắc văn học Việt thế kỷ 20. Sách tái bản nhiều lần, được dịch ra một số ngôn ngữ như Nga, Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, trở thành nguồn cảm hứng cho phim truyền hình, điện ảnh.
Tác giả tạo nên miền đất phương Nam kỳ thú với rừng tràm, cá sấu, ong vò vẽ, ghe ngo, chợ nổi, khiến nhiều độc giả mê mẩn, muốn tham quan Cà Mau, U Minh, Đồng Tháp Mười. Nhà văn Trần Đức Tiến từng nói: "Những trang viết của Đoàn Giỏi như một lời thì thầm vào tai trẻ em rằng: ‘Quê hương con không chỉ có mái nhà, mà còn là con cá, dòng sông, bờ rừng, và cả người nông dân lam lũ, người nghĩa quân hy sinh’".
Sách của ông tác động lan tỏa đến cảm thức lịch sử và bản sắc văn hóa trong tâm hồn trẻ em, khơi gợi lòng yêu quê hương, ý thức dân tộc từ tuổi nhỏ. Nhân vật chính là cậu bé An, biểu tượng của thế hệ trẻ lớn lên cùng kháng chiến, trưởng thành qua quá trình phiêu lưu, khám phá, hiểu được sự đấu tranh và hy sinh của dân tộc.
gia đình">
Chân dung nhà văn Đoàn Giỏi. Ảnh: Tư liệu gia đình
Trong tác phẩm của Đoàn Giỏi, tư liệu là như nền tảng cho sáng tạo. Với trải nghiệm thực địa phong phú, ông đưa vào trang sách khối lượng dữ kiện về hệ sinh thái vùng rừng ngập mặn, rừng tràm U Minh, đầm lầy Đồng Tháp Mười, động thực vật như cá linh, cá sấu, ong vò vẽ, rắn hổ mây. Những tác phẩm còn đề cập đến phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian như lễ hội đình làng, tục thờ ông Cá Voi, cách gọi "ông Hổ", "cậu Tư", "dì Sáu". Việc sử dụng tư liệu có dụng ý nghệ thuật, làm nổi bật bản sắc địa phương, giúp người đọc như sống trong không gian Nam Bộ.
Dịp 100 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tám cuốn sách tác giả viết cho thiếu nhi. Ảnh: NXB Kim Đồng
Ông truyền tải cảm quan thẩm mỹ trong văn hóa dân gian, thể hiện qua lối kể, khẩu ngữ, hình ảnh gần gũi với đời sống thôn quê, niềm tin vào thiên nhiên, linh hồn vạn vật. Ông sử dụng dày đặc từ ngữ địa phương như "tầm vông", "mắm cá linh", "cá lóc trui rơm", "ăn tết đu đủ", "bắt cá bằng cần câu tay".
Biểu tượng dân gian trong sách có nhiều tầng ý nghĩa. Cây tầm vông trở thành biểu tượng kháng chiến, thứ vũ khí của nhân dân để đánh giặc, rắn hổ mây là linh vật rừng thiêng, cá bống mú là loài vật vừa gần gũi vừa có dấu ấn huyền thoại, đều được ông gắn với nhân vật, sự kiện hoặc tâm thức dân gian. Sự kết hợp giữa tư liệu và mỹ cảm dân gian tạo dựng nền móng cho sự độc đáo trong văn chương Đoàn Giỏi, mang tính cộng đồng và bản địa hóa, vượt khỏi giới hạn của truyện thiếu nhi hay văn học kháng chiến thông thường.
Hà Thanh Vân