18 Tháng 5, 2025
496513188-9784973694955804-790-6014-3228-1747155887.jpg
TP HCM- Đang đi trên vỉa hè ở quận Tân Phú, Warren bất ngờ được mấy người đàn ông không quen biết chạy ra kéo tay, mời ngồi xuống nhậu cùng.

TP HCMĐang đi trên vỉa hè ở quận Tân Phú, Warren bất ngờ được mấy người đàn ông không quen biết chạy ra kéo tay, mời ngồi xuống nhậu cùng.

Trải nghiệm bất ngờ năm 2019, khi vừa chân ướt chân ráo đến TP HCM khiến chàng trai người Anh không khỏi sốc. Dù vậy, Warren vẫn ngồi xuống. Bàn nhậu của họ ở lề đường rất đơn giản gồm đĩa đậu phộng, vài con khô mực, 5 cốc bia. Họ nâng ly cùng dòng xe cộ tấp nập chạy ngay sát nách.

"Tôi chưa có trải nghiệm này ở bất kỳ quốc gia nào", chàng trai 30 tuổi, nói. "Người Việt mời người lạ uống bia rất tự nhiên và thoải mái". Bốn người đàn ông không nói tiếng Anh, nhưng họ đã dùng công cụ dịch để giải thích cho anh về văn hóa nhậu và khẩu hiệu "1,2,3 dô".

Warren nhận ra bàn nhậu ở Việt Nam tuân theo quy tắc cùng nâng ly, nghĩa là phải uống đồng loạt. Khi ai đó chúc và uống, anh không thể tự ý uống một mình mà không đáp lại lời chúc. "Nó tạo cho tôi áp lực và lúng túng", anh nói.

Nhưng sau 6 năm ở Việt Nam, anh nhận ra ngồi uống rượu bia là không chỉ là cuộc vui mà còn là cách kết nối, xây dựng quan hệ xã hội. Điều này khác với nước Anh, nơi mọi người uống tùy sức, địa điểm thường ở bar, pub hoặc vườn nhà, thời gian chủ yếu vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Ngược lại, ở Việt Nam, rượu bia xuất hiện thường xuyên và ở khắp nơi, quán ăn, vỉa hè, công viên.

Cá nhân Warren không thấy phiền vì có tửu lượng tốt và thích không khí sôi nổi, dù các cuộc nhậu kéo dài. Anh cho rằng giá rẻ và dễ tiếp cận khiến việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam trở nên phổ biến. "Ở đây, tôi có thể nhậu cả đêm với số tiền chỉ bằng 2, 3 ly bia ở Anh", anh nói.

Marcel, 54 tuổi, kỹ sư người Hà Lan, lại sốc vì lượng tiêu thụ rượu bia người Việt. Lần đầu nhậu cùng mọi người ở một đám cưới, anh chứng kiến cả chú rể và bố vợ đều say không thể đi được, phải nhờ người khiêng. Lần khác, vài người bạn của anh say đến mức ngủ ngay trên sàn nhà vệ sinh.

Vài năm đầu, anh thấy rất khó chịu với văn hóa mời bia. Dù đã từ chối, họ luôn cố thuyết phục anh bằng câu "chỉ một ly thôi". Khó nhất là khi anh nói muốn dừng hoặc không hứng thú. Anh nhận ra người Việt khi say có thói quen hét vào tai người đối thoại dù chỉ cách họ 10 cm.

Nhưng sau hàng chục năm ở Việt Nam, Marcel đã biết cách ứng xử. "Những lúc như vậy bạn chỉ cần giả vờ nhấp một ngụm rồi đặt ly xuống", anh nói.

Người Việt cũng hay tò mò về tửu lượng của người nước ngoài, nên thường mời anh uống. Họ hay cho nhiều đá vào bia, điều rất lạ ở Hà Lan. Anh khuyên họ không bỏ đá để giữ nguyên hương vị của bia. Nhưng sau vài ly không đá, nhiều người đã say.

Càng ở Việt Nam lâu, Marcel nhận ra việc nâng ly với người lạ càng phổ biến, dù ở quán ăn, đám cưới hay tiệc công ty. Ở quán ăn, việc nâng ly với bàn bên cạnh và thi xem ai hô "dzô" to hơn là chuyện thường xuyên.

Đồng thời, thói quen chia sẻ ly uống, điều ở Hà Lan bị xem là tối kỵ, lại rất thoải mái, cởi mở với người Việt. "Nhờ bạn bè, tôi mới hiểu đây là điều bình thường", anh nói.

Warren và Marcel là nằm trong số nhiều người bị sốc văn hóa rượu bia, trải nghiệm phổ biến của người nước ngoài sống ở Việt Nam.

David Craig, nhà nhân chủng học người Anh ở Đại học Durham (Anh) đã mô tả tập quán "100 phần trăm" gây áp lực cho cả người Việt và nước ngoài, khác với văn hóa uống tự do ở phương Tây.

Nghiên cứu của David Craig đăng trên tạp chí khoa học PubMed Central cho thấy 38,6% nam giới ở một tỉnh miền Tây uống nhiều hơn 5 ly mỗi tuần, phản ánh mức độ phổ biến của văn hóa nhậu.

Việt Nam cũng dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ rượu bia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2024, với 8,9 lít cồn nguyên chất bình quân mỗi người (trên 15 tuổi) năm 2019, vượt Thái Lan (8,3 lít) và Singapore (2,9 lít).

Nền tảng du lịch Sens Asia Travel cũng đã có bài viết How to Avoid Culture Shock in Vietnam (Làm thế nào để tránh sốc văn hóa ở Việt Nam) lưu ý rằng người nước ngoài, đặc biệt từ phương Tây, thường bất ngờ với các khía cạnh như giao thông, ẩm thực và thói quen uống rượu bia.

Ngoài ra, chủ đề drinking culture – văn hóa uống rượu bia cũng thu hút hàng nghìn lượt tương tác ở các nhóm Expats ở TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Anh Timothée Rousselin trong buổi tiệc ở <a href=gia đình vợ tại Gò Dầu, Tây Ninh, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp">

Anh Timothée Rousselin trong buổi tiệc ở gia đình vợ tại Gò Dầu, Tây Ninh, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 6 năm sống ở TP HCM, Timothée Rousselin, 39 tuổi, nhận ra người Việt rất thích ăn mừng, với đủ lý do như tan ca, cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật, Tết hay mừng chiến thắng bóng đá.

"Nhậu là để mọi người cởi mở và gắn kết", chàng trai người Pháp nói. Anh lớn lên ở quốc gia có văn hóa uống đồ có cồn, vang đỏ và vang trắng dễ tìm ở khắp nơi, nhưng không khí "hòa làm một" chỉ có ở Việt Nam. Họ thường uống 50% hoặc 100% theo lời mời của bạn bè.

Anh vẫn nhớ lần đầu uống rượu với hàng xóm trong căn hộ, người này gọi thêm người khác, họ liên tục lên bia và cùng trò chuyện qua Google dịch. Ai cũng được chào đón và sau một buổi tối, người lạ đều trở thành bạn thân.

"Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là những lần chứng kiến những người mâu thuẫn nhau hòa giải ngay trên bàn nhậu. Ở quốc gia khác, sự việc thường trầm trọng hơn sau khi mọi người có cồn", anh nói.

Ngọc Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *