
Trung QuốcVideo cảnh nữ hành khách bị nhân viên sân bay yêu cầu lau sạch lớp trang điểm để máy nhận dạng khuôn mặt lan khắp mạng xã hội Trung Quốc tuần qua.
Trong video người phụ nữ dùng khăn ướt lau mặt trong khi một nhân viên sân bay nói "trang điểm quá khác với ảnh giấy tờ".
Theo thông tin từ thẻ lên máy bay, sự việc xảy ra từ tháng 9/2024 tại sân bay Thượng Hải, nhưng video mới xuất hiện trên mạng 4 ngày trước.
"Lau sạch mặt đi cho đến khi trông giống ảnh hộ chiếu. Sao lại trang điểm như vậy? Muốn rước họa vào thân à?", giọng người phía sau máy quay vang lên.
Không rõ người phụ nữ này có vượt qua được hệ thống nhận diện khuôn mặt ở sân bay hay không, nhưng video ghi lại tình huống đã thu hút hàng triệu lượt xem và vô số bình luận trên mạng xã hội.
"Cô ấy đâu thể đeo bộ lọc ngoài đời thật được, đúng không?, một người dùng viết.
Cô gái bị đề nghị lau hết lớp trang điểm. Ảnh cắt từ video
Một số người bày tỏ sự cảm thông, cho rằng cô gái đã đủ xấu hổ rồi và hiếm có nhân viên sân bay nào phàn nàn chuyện phụ nữ trang điểm. Số khác lại đặt câu hỏi liệu lớp trang điểm có thực sự gây khó khăn cho máy quét nhận diện khuôn mặt hiện đại.
"Dù có trang điểm dày thế nào thì khuôn mặt cũng đâu thể không nhận ra? Có lẽ đã đến lúc nâng cấp thiết bị rồi chăng?", một người bình luận.
Trường hợp này khiến nhiều người liên tưởng đến sự việc từng gây xôn xao trước đây, khi một số phụ nữ Trung Quốc bị giữ lại tại sân bay Hàn Quốc vì gương mặt sau phẫu thuật thẩm mỹ khác xa ảnh hộ chiếu, khiến hệ thống nhận dạng không thể xác minh danh tính.
Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học David Noever và Forrest McKee tại công ty an ninh mạng PeopleTec (Mỹ), thuật toán nhận dạng hiện đại tập trung vào các vùng như chân mày, sống mũi, đường viền chức năng.
Một nghiên cứu có tên "Công nghệ ngụy trang bằng camera AI thế hệ mới" cho thấy có thể đánh lừa hệ thống nhận dạng khuôn mặt bằng cách làm mờ các vùng quan trọng mà không cần sử dụng đến công nghệ hiển thị sâu (deep display).
Khác với các phương pháp ngụy trang gây chú ý như phong cách CV Dazzle, kiểu trang điểm Juggalo hay kỹ thuật thu nhỏ khuôn mặt, công nghệ mới tinh vi hơn, cho phép giữ nguyên vẻ tự nhiên khi nhìn bằng mắt thường.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn thử nghiệm điều chỉnh lớp trong suốt (alpha layer) trong ảnh kỹ thuật số để che giấu khuôn mặt, khiến các hệ thống tìm kiếm hình ảnh ngược như Bing Visual Search hay BetaFaceAPI không thể nhận diện được.
Ông Noever cho rằng nhận dạng khuôn mặt là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực AI hiện nay.
"Nó có thể hiện ra những rủi ro do trí tuệ nhân tạo, từ công việc giám sát đám đông, theo dõi giao thông cho đến các lo lắng về quyền riêng tư và sai lệch thuật toán", ông nói.
Nhật Minh (Theo OC/theregister)